5 Xu hướng thương mại điện tử hàng đầu trong năm 2020
Trong những năm gần đây, thương mại điện tử là một thị trường đầy tiềm năng với khoảng hơn 2 tỷ người mua sắm trên toàn cầu. Dưới sự phát triển nhanh của công nghệ, xu hướng thương mại điện tử ngày càng thay đổi và chắc chắn sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ trong tương lai.
Có thể thấy, thị trường thương mại điện tử ở Việt Nam cạnh tranh rất khốc liệt giữa các doanh nghiệp trong nước lẫn quốc tế. Vì vậy, để trở nên nổi bật so với đối thủ, ngoài câu chuyện về thương hiệu “branding”, các doanh nghiệp luôn phải nắm bắt những xu hướng mới để có thể phát triển bền vững trong tương lai.
Hãy cùng Viện ISB và ISB Insight cập nhật thêm 5 Xu hướng thương mại điện tử hàng đầu mà bạn không nên bỏ qua trong năm 2020.
Nội dung
1. Sự bùng nổ của “thương mại xã hội”
Xu hướng thương mại điện tử phải kể đến đầu tiên đó là sự bùng nổ của thương mại xã hội (Social Commerce). Theo định nghĩa của Investopedia, Social Commerce là việc sử dụng các phương tiện truyền thông xã hội như Facebook, Instagram hay Twitter để quảng bá và bán các sản phẩm và dịch vụ.
Theo eMarketer, thương mại xã hội đã tăng từ 23% vào tháng 12 năm 2018 lên 31% vào tháng 10 năm 2019 trong số những người dùng Internet ở Mỹ.
Các nền tảng mạng xã hội này chính là xu hướng thương mại điện tử hoàn hảo vì chúng cung cấp nội dung hình ảnh phong phú, giúp người mua dễ dàng tìm kiếm và mua sắm các sản phẩm khác nhau. Trong một báo cáo khác cho thấy rằng người dùng thích tìm kiếm sản phẩm hoặc thông tin trên mạng xã hội hơn là trang web.
Vì vậy, nắm bắt xu hướng thương mại điện tử này, các thương hiệu có thể tăng cường quảng cáo hoặc xây dựng riêng kênh bán hàng trên các nền tảng mạng xã hội để có thể khuyến khích nhu cầu mua sắm của người dùng hơn.
2. Trải nghiệm AR và VR trong thương mại điện tử
“Hình dung hóa” sản phẩm (AR – Thực tế tăng cường, VR – Thực tế ảo) là xu hướng thương mại điện tử quan trọng giúp các doanh nghiệp gia tăng doanh số. Mặc dù chi phí để áp dụng công nghệ này rất đắt đỏ, nhưng gần 90% doanh nghiệp có doanh thu hàng năm từ 100 triệu đô la trở lên hiện nay đều sử dụng.
Xem thêm: Top 5 công nghệ tạo ra xu hướng Digital Marketing 2020
Theo Gartner, 100 triệu người mua sắm sẽ sử dụng AR trực tuyến và tại cửa hàng vào năm 2020. Xu hướng thương mại điện tử này đóng vai trò mở rộng trải nghiệm thương hiệu khi thu hút khách hàng trong môi trường “nhập vai” và khách hàng dễ dàng hơn trong việc đưa ra quyết định mua sắm.
Ví dụ như ứng dụng Yamaha My Garage cho phép khách hàng xem các mẫu xe máy chính thức 3D. Họ có thể kết nối với kính VR để kiểm tra thiết kế, kết cấu, động cơ và cảm biến của xe máy.
Bằng cách này, sự tương tác của khách hàng với sản phẩm tăng lên. Đồ họa với độ phân giải cao cho phép người dùng dễ dàng nhìn thấy các bộ phận bị ẩn.
3. Tận dụng chatbot tối đa hóa doanh thu
Theo Business Insider, 80% doanh nghiệp sẽ sử dụng chatbot vào năm 2020. Đây là một điều dễ hiểu, vì hiện nay việc sử dụng chatbot ngày càng trở nên phổ biến và đơn giản, nó cũng giúp doanh nghiệp tiết kiệm một phần chi phí thay vì phải thuê thêm nhân viên để thực hiện công việc đó.
Nhờ vào xu hướng thương mại điện tử này, người tiêu dùng có thể xác định đúng sản phẩm họ muốn một cách nhanh chóng hơn. Tuy nhiên, đối với lĩnh vực dịch vụ hay cần tư vấn trực tiếp, thì chatbot vẫn chưa thể hoàn thành tốt được công việc.
Một ví dụ điển hình cho xu hướng này là Shopbot của eBay. Chatbot độc đáo này như một trợ lý cá nhân ảo để giúp người mua tìm kiếm mặt hàng mong muốn. Bạn chỉ cần nhập một số chi tiết sản phẩm và Shopbot sẽ hỏi các câu hỏi liên quan để tìm đúng màu sắc, kích cỡ và kiểu dáng trên eBay.
4. Thương mại bằng giọng nói trở thành xu hướng
Xu hướng thương mại điện tử tiếp theo đó chính là tìm kiếm bằng giọng nói. Các thiết bị loa thông minh như Google Home và Amazon Echo được kết hợp với các trợ lý ảo như Google Assistant và Alexa để thực hiện các lệnh tìm kiếm cũng như thực hiện các thao tác đơn giản.
Trên thực tế, 60% người dùng đã sử dụng trợ lý ảo đã thực hiện tìm kiếm cũng như lệnh mua hàng bằng giọng nói. Do sự phổ biến rộng rãi của công nghệ này, dự kiến đến năm 2021, nhiều thương hiệu sẽ thêm các tính năng tìm kiếm bằng giọng nói để đáp ứng các nhu cầu của khách hàng.
Domino’s Pizza là một trong những doanh nghiệp cập nhật xu hướng mới này. Công ty đã ra mắt một trợ lý đặt pizza bằng giọng nói tên là Dom vào năm ngoái. Dom giúp người dùng đặt hàng, kiểm tra trạng thái đơn hàng và tìm các ưu đãi tốt nhất cho khách hàng.
5. Mua sắm và thanh toán trên di động sẽ tăng mạnh
Khoảng hơn 5 tỷ người trên thế giới sử dụng điện thoại thông minh để truy cập Internet. Vì vậy, không có gì đáng ngạc nhiên khi 60% lượng truy cập vào thương mại điện tử đến từ nền tảng điện thoại di động.
Điều này cho thấy tác động rất lớn của các thiết bị di động và các nền tảng thanh toán trực tuyến như Amazon Pay và Paypal đối với việc bán hàng trực tuyến.
Theo số liệu, 66% người Mỹ tin rằng thanh toán di động sẽ thay thế thanh toán thẻ. Và điện thoại di động sẽ thống trị doanh số bán hàng trực tuyến vào năm 2021 với 54% doanh số.
Như mọi khi, Amazon luôn đi đầu trong mua sắm và thanh toán trên di động. Gã khổng lồ bán lẻ trực tuyến tự hào về trải nghiệm tập trung vào khách hàng trên di động bằng việc sử dụng Amazon Prime hay Amazon Pay.
Lời kết.
Xu hướng thương mại điện tử luôn thay đổi và thị trường thương mại điện tử luôn khốc liệt, vì vậy các doanh nghiệp cũng phải không ngừng phát triển để bắt kịp thời đại. Việc cập nhật và có thể ứng dụng những xu hướng thương mại điện tử sẽ đem lại nhiều cơ hội hơn cho doanh nghiệp của bạn vào năm 2020.
Xem thêm: Xác định ngân sách Marketing cho thương hiệu của bạn 2020
Nguồn: Tổng hợp từ Internet