Cuộc chuyển mình của ngân hàng số tại Việt Nam
Những năm gần đây, “ngân hàng số” đang là xu hướng phát triển ngày càng mạnh mẽ của các ngân hàng tại Việt Nam.
Khách hàng cũng ngày càng quen thuộc và ưa chuộng việc sử dụng các phương tiện điện tử nhiều hơn để tìm kiếm thông tin và tiếp cận các dịch vụ của ngân hàng.
Theo đó, một số ngân hàng đã chủ động chuẩn bị để đón lấy cơ hội này nhằm đưa mô hình ngân hàng số thành một lợi thế cạnh tranh và hỗ trợ mở rộng thêm thị phần tại Việt Nam.
Ngân hàng số là gì?
Digital Banking hay ngân hàng số là ngân hàng có thể thực hiện hầu hết các giao dịch ngân hàng bằng hình thức trực tuyến thông qua internet.
Khi giao dịch qua ngân hàng số, khách hàng không phải đến chi nhánh và giảm thiểu đến mức tối đa những thủ tục giấy tờ liên quan. Đồng thời tính năng của ngân hàng số có thể thực hiện mọi lúc mọi nơi không phụ vào thời gian, không gian nên khách hàng có thể hoàn toàn chủ động.
Thông qua hệ thống ngân hàng số, khách hàng có thể:
- Quản lý tài chính cá nhân và doanh nghiệp
- Thanh toán hóa đơn
- Chuyển tiền trong hệ và ngoài hệ thống, chuyển tiền quốc tế
- Vay nợ ngân hàng
- Gửi tiền tiết kiệm
- Tham gia các dạng dịch vụ tài chính khác như bảo hiểm, đầu tư,…
Lợi ích của ngân hàng số
Hiện nay, ngân hàng số vừa là một giao diện cung cấp tiện ích cho khách hàng, là công cụ để cải thiện mối quan hệ khách hàng và còn là phương tiện để tạo ra lợi thế cạnh tranh khi mà nó đem lại một lượng lớn khách hàng sử dụng và khách hàng mới.
Ngân hàng số đem đến vô vàn lợi ích vượt trội có thể kể đến như:
- Hiệu quả kinh doanh: Không chỉ làm nền tảng kỹ thuật số cải thiện sự tương tác với khách hàng và giúp những nhu cầu của khách hàng được đáp ứng nhanh hơn, ngân hàng số cũng cung cấp các phương pháp để làm cho các chức năng nội bộ hiệu quả hơn.
- Tiết kiệm chi phí: Ngân hàng số là một trong những chìa khóa để các ngân hàng cắt giảm chi phí thông qua các ứng dụng tự động thay cho lao động thủ công. Nền tảng kỹ thuật số trong tương lai có thể giảm chi phí thông qua sự hỗ trợ của dữ liệu mạng và phân tích, xử lý nhanh hơn với những thay đổi của thị trường.
- Độ chính xác cao: Nền tảng công nghệ của ngân hàng số sẽ giúp tính toán, xử lí cũng như ghi nhận những giao dịch, biến động một cách chính xác tuyệt đối.
- Tăng cường bảo mật: Các giao dịch hay bất kìa phát sinh nào trên tài khoản ngân hàng, khách hàng đều nhận được mã OTP cho mỗi lần giao dịch và nhận được tin nhắn hoặc email thông báo. Khách hàng hoàn toàn có thể yên tâm về tính bảo mật của ngân hàng số.
Sự phát triển của ngân hàng số tại Việt Nam
Việt Nam được đánh giá là một trong những thị trường tiềm năng với lĩnh vực thanh toán di động, khi tỉ lệ người tiêu dùng tại Việt Nam sử dụng thanh toán di động từ mức 37% năm 2018 đã tăng lên 61% vào năm 2019, theo một báo cáo của PwC.
Trong cuộc chuyển mình này, hầu như ngân hàng lớn nhỏ và bất kể quốc tịch đều năng nổ tham gia. Hàng chục ngân hàng nội địa như Vietcombank, Sacombank, Techcombank, VPBank, VIB, OCB, NCB.. đều đã cho phép đăng ký mở tài khoản trực tuyến.
Một vài ngân hàng tung thêm các trải nghiệm để tạo khác biệt như BIDV với SmartBanking hay TPBank với LiveBank. Trong khi đó, MBBank tiếp cận khách hàng cá nhân bằng một Fanpage chính thức trên Facebook và ứng dụng riêng. VPBank thì đẩy mạnh số hóa từ trong ra ngoài với việc thành lập Trung tâm Số hóa Ngân hàng (Digital Lab).
Các ngân hàng 100% vốn nước ngoài ở Việt Nam cũng không nằm ngoài cuộc chơi. Hồi giữa năm, UOB tung ra ứng dụng UOB Mighty giúp người dùng mở tài khoản với tuyên bố tiết kiệm đến 80% thời gian để mở tài khoản so với cách thông thường.
Gần đây, CIMB cũng “trình làng” ứng dụng OCTO với các tính năng như chuyển tiền, gửi tiết kiệm, quản lý thẻ, thanh toán hóa đơn… Ông Tengku Dato- Sri Zafrul Aziz – CEO Tập đoàn CIMB nói rằng phát triển ngân hàng kỹ thuật số là chiến lược trọng điểm tại Đông Nam Á và Việt Nam là thị trường thử nghiệm đầu tiên.
Nguồn: tổng hợp từ internet