ứng dụng AI thumbnail

6 Ứng dụng AI giúp cải thiện lòng trung thành của khách hàng

Trí tuệ nhân tạo (AI) giờ đây đã không còn là một thuật ngữ xa lạ trong ngành Marketing nói chung và đang dần trở thành công cụ đắc lực cho các Marketers nói riêng. Tuy nhiên không phải ai cũng hiểu rõ sức mạnh hay ứng dụng AI trong công cuộc xây dựng chiến lược Marketing hiệu quả.

Hỗ trợ xử lý nhiều thông tin một cách nhanh chóng và chính xác, AI đã mở ra nhiều cơ hội cho các thương hiệu, giúp họ cải thiện trải nghiệm khách hàng, và xa hơn, là tăng lòng trung thành của khách hàng với doanh nghiệp.

Sau đây, ISB Insight sẽ chỉ ra 6 Ứng dụng AI sẽ giúp cho doanh nghiệp cải thiện lòng trung thành của khách hàng.

Nội dung

1. Sử dụng phân tích dự đoán (predictive analytics)

Phân tích dự đoán là quá trình sử dụng nhiều kỹ thuật khai thác dữ liệu, thống kê, phân tích, ứng dụng công nghệ Machine Learning để đưa ra các kết quả dự đoán. Việc sử dụng phân tích sẽ giúp thấu hiểu được nhu cầu của các khách hàng mục tiêu – cốt lõi cho sự thành công của mọi chiến dịch marketing. 

Ứng dụng AI này dựa trên các lịch sử mua hàng để có thể dự đoán được nhu cầu của các khách hàng trong tương lai, từ đó có thể đáp ứng kịp thời hay xa hơn, là có thể phát triển, mở rộng được những xu hướng nhu cầu mới của khách hàng.

Sephora là ví dụ tiêu biểu cho việc vận dụng công nghệ phân tích này cho chiến dịch Email Marketing của họ. Bằng cách theo dõi lịch sử mua hàng, Sephora sẽ dự đoán được khoảng thời gian khách hàng dùng hết được sản phẩm đó.

Khi thời điểm đó sắp đến, Sephora sẽ gửi email cho khách hàng thông tin về các sản phẩm liên quan, đây không những là cách tuyệt vời để giúp gia tăng doanh thu, mà còn khiến cho khách hàng cảm thấy mình được “chăm sóc”, từ đó lòng trung thành với doanh nghiệp sẽ được cải thiện.

ứng dụng AI 01

Email Sephora gửi cho khách hàng khi đến thời điểm sản phẩm của họ sắp hết

2. Cá nhân hóa trải nghiệm người dùng

Ứng dụng AI tiếp theo được xem là yếu tố cực kỳ quan trọng, không những thu hút nhiều khách hàng mà còn làm tăng lòng trung thành của họ, đó là cá nhân hóa. Một nghiên cứu chỉ ra rằng, khách hàng có xu hướng trả giá cao hơn cho những sản phẩm/ dịch vụ được cá nhân hóa theo nhu cầu của họ.

Mặc khác, nếu một thương hiệu không thể đáp ứng nhu cầu của khách hàng một cách hiệu quả và nhanh chóng, thì khách hàng sẽ sẵn sàng đổi sang một thương hiệu khác hơn. Với sự giúp đỡ của trí tuệ nhân tạo, các thương hiệu có thể dễ dàng khám phá ra sở thích của khách hàng và đưa ra đề xuất phù hợp nhất.

Gần đây, Spotify đã sử dụng AI để đề xuất các playlist cá nhân hóa dựa trên sở thích âm nhạc của người nghe. Thống kê đã cho thấy các playlist này sẽ có thời lượng được nghe lâu hơn, 80% người nghe sẽ tự tìm kiếm bài hát trong các playlist này và số lượng các bài hát được lưu tăng lên 66%.

ứng dụng AI 02

Spotify là dịch vụ cung cấp âm nhạc kỹ thuật số đang được rất nhiều người ưa chuộng

3. Sử dụng công cụ trò chuyện tự động (chatbots)

Một ứng dụng AI khác mà có lẽ bạn thấy khá nhiều đó là Chatbots (công cụ trò chuyện tự động). Ứng dụng AI này hỗ trợ doanh nghiệp tương tác, phản hồi với khách hàng nhanh chóng và hiệu quả hơn.

Ngoài việc có thể tương tác với khách hàng, thì Chatbots còn có thể cung cấp thông tin cho khách hàng về sản phẩm mới, các sự kiện, giảm giá và nhiều chương trình khác nữa. Bên cạnh đó, Chatbots còn thông báo cho khách hàng về tình trạng đơn hàng của họ.

4. Tạo ra các chương trình tri ân khách hàng thông qua ứng dụng AI

Khi một khách hàng thực hiện một hành động ví dụ như: xem một món hàng, mua hàng, để lại đánh giá, thì hệ thống sẽ ghi nhận lại ngay lập tức. Từ những thông tin này, các thương hiệu có thể phân khúc khách hàng dựa trên tuổi tác, nơi ở, sở thích và nhiều hơn nữa.

Việc phân khúc thị trường sẽ giúp cho trải nghiệm cá nhân hóa trở nên tốt hơn, tạo ra chương trình tri ân khách hàng phù hợp hơn thay vì chỉ sử dụng một mô hình cho tất cả các khách hàng. 

5. Tối ưu hóa giá cả bằng thuật toán

Giá cả là một trong những yếu tố quan trọng nhất ảnh hưởng đến quyết định mua hàng của khách hàng. Việc đặt ra giá không hợp lý có thể dẫn đến việc khách hàng tìm đến những lựa chọn khác. Tuy nhiên, việc chọn ra được giá cả hợp lý là một việc không dễ, vừa phải giữ cho doanh nghiệp có lãi, vừa phải thu hút được khách hàng. 

ứng dụng AI 03

Ứng dụng AI giúp cải thiện lòng trung thành của khách hàng với doanh nghiệp

Bằng việc sử dụng các thuật toán, phân tích một số lượng lớn dữ liệu về các giao dịch trong quá khứ, giá cả của các đối thủ cạnh tranh, ứng dụng AI có thể giúp doanh nghiệp phân tích được lời/lỗ. Ngoài ra ứng dụng AI này còn được dùng để theo dõi giá thị trường, giúp thỏa thuận giá cả với nhà cung ứng của thương hiệu.

6. Cải tiến sản phẩm thông qua ứng dụng AI

Bất cứ ứng dụng AI nào trong ngành Marketing đều giúp cho các thương hiệu hiểu rõ hơn về khách hàng của mình. Các doanh nghiệp nên tận dụng các thông tin này để phát triển các dự án R&D, giúp cải thiện sản phẩm của mình ngày càng phù hợp hơn với khách hàng.

Với ứng dụng cá nhân hóa của AI, công ty không cần phải tạo ra các sản phẩm mới, thay vào đó chỉ cần cung cấp cho khách hàng những gì mà họ muốn và cần. 

Lời kết.

Xây dựng được sự trung thành của khách hàng cần rất nhiều thời gian và công sức. Tuy nhiên, việc nắm bắt tâm lý khách hàng đã trở nên dễ chịu hơn nhờ vào những ứng dụng AI. Trí tuệ nhân tạo dường như đã trở thành một công cụ không thể thiếu để giúp cho doanh nghiệp giữ vững tính cạnh tranh trên thị trường.

Do đó, nhiệm vụ của các marketers phải luôn luôn nắm bắt xu hướng và đổi mới để có thể thích ứng trong dài hạn nhưng vẫn thu hút và “giữ chân” được khách hàng.

Xem thêm: Chiến lược Marketing SaaS: 5 Ý tưởng đột phá để phát triển doanh nghiệp

Nguồn: Tổng hợp từ Internet

Cập nhật kiến thức mới

Nhập email để cập nhật nhanh nhất thông tin, kiến thức từ Viện ISB