Copycat Startups – Ý tưởng cũ, cách làm mới
Hiện nay, khái niệm Copycat Startups là một khái niệm có thể khá lạ lẫm với người nghe, nhưng thực chất đã tồn tại từ rất lâu trong giới khởi nghiệm toàn cầu. Đó là xu hướng khởi nghiệp phổ biến và đã được áp dụng rất thành công thông qua hình thức học tập, rút kinh nghiệm của những mô hình đi trước để tạo hướng đi mới cho riêng mình.
Copycat Startups là gì?
Copycat Startup là hình thức khởi nghiệp học tập dựa trên mô hình của người đi trước, từ ăn theo ý tưởng tới sao chép hoàn toàn, ngày càng phát triển và có khi còn đông đảo hơn nhiều so với mô hình gốc.
Giới startup phân chia các loại hình sao chép thành 3 loại, đó là: sao chép nguyên bản, sao chép có chỉnh sửa và sao chép cách thức
- Sao chép nguyên bản có thể lấy ví dụ như Foody và Yelp của Mỹ, với bố cục, thị trường mục tiêu và ngay cả màu sắc chủ đạo gần như hệt nhau
- Sao chép có chỉnh sửa ví dụ tiêu biểu có thể kể đến Grab và Uber, Grab bắt chước Uber cùng khai thác mảng vận tải nhưng tập trung vào phân khúc taxi và có một vài thay đổi trong phương thức thanh toán, chọn lái xe và hành khách.
- Sao chép cách thức: Ví dụ một số mô hình tiêu biểu tại Việt Nam như Ahamove của Giao hàng nhanh là Uber trong vận tải, Lozi chính là Pinterest của ẩm thực hay PIF là “Tinder dành cho doanh nhân khởi nghiệp”.
Copycats Startups không phải là một ý tưởng tồi
Khi startup trở thành xu thế và mọi người coi nó như là khởi nguồn của đổi mới và sáng tạo, thực tế là không phải lúc nào sáng tạo cũng là yếu tố tiên quyết. Ý tưởng chắc chắn là khởi đầu cho hành trình khởi nghiệp, nhưng thực thi mới là yếu tố sống còn.
Vì thế, không ít doanh nghiệp đã sao chép mô hình kinh doanh thành công trên thế giới, nội địa hóa các mô hình đó, chiếm lấy thị phần sân nhà và bắt đầu cải tiến liên tục. Với mục tiêu chiếm lấy thị trường nhanh nhất có thể ở những nơi chưa phổ biến loại hình dịch vụ đó, đây là 1 bước đi khá khôn ngoan và hấp dẫn.
Theo nghiên cứu của Topica Founder Institute, 100% trong số 28 startup thành công nhất Việt Nam đều làm theo mô hình copycat, tất cả đều học hỏi và bản địa hóa các mô hình tương tự đã thành công ở nước ngoài. Điều thú vị là, những mô hình kinh doanh kiểu copycat thực sự tạo niềm tin hơn cho các quỹ đầu tư.
Nguyễn Hoàng Trung, CEO của Lozi, cho biết, anh đã từng gặp rất nhiều các nhà đầu tư và nhận được câu hỏi: “Thế cuối cùng thì mô hình của anh có giống với mô hình nào trên thế giới không?”. Các nhà đầu tư muốn an toàn cho nguồn vốn của họ nên một mô hình đã được kiểm chứng trên thị trường thực tế sẽ khiến họ an tâm hơn trong quyết định đầu tư.
“Các nhà đầu tư không muốn mạo hiểm đồng tiền của mình vào những ý tưởng mới tinh từ các startup Việt Nam. Họ muốn một mô hình an toàn hơn, đã được kiểm định trên thế giới”- anh chia sẻ.
Copycat Startups giúp tiết kiệm thời gian, công sức và tiền bạc
Trên thực tế, rất hiếm để gặp được một startup có thể nghĩ ra một ý tưởng mà chưa ai làm và nhất là có thể thành công với ý tưởng đó. Vậy nên, việc học hỏi từ các mô hình startup nước ngoài để sử dụng và bản địa hóa trên thị trường cũng không còn xa lạ. Và có nhiều startup cũng quan điểm rằng, thà trở nên tốt hơn bản nguyên gốc còn hơn là trở thành kẻ thất bại đầu tiên.
“Những startup trên thế giới đã tốn rất nhiều năm để làm và sửa sai, mình có cơ hội thừa hưởng và học hỏi được những bài học của họ là quá tốt rồi. Nếu startup tại Việt Nam cứ tự thích xây dựng cái mới, thử nghiệm và sửa sai thì sẽ tốn thời gian hơn, rủi ro cũng cao hơn”, ông Huân nhận định.
Lê Hồng Thảo Quyên, CEO Viral Works cũng chia sẻ quan điểm: “Có 8 tỷ bộ não trên thế giới, vậy bạn thực sự nghĩ mình có thể tạo ra một ý tưởng mà chưa ai làm bao giờ? Tại sao chúng ta phải đi giải bài toán mà người khác đã làm rồi? Hãy rút ngắn khoảng cách tới thành công bằng cách học hỏi và sáng tạo”.
Tóm lại, khi bắt chước và học hỏi làm lại mô hình khởi nghiệp đã thành công ở các quốc gia khác, các startup không chỉ tiết kiệm được thời gian, công sức và tiền bạc mà còn khiến doanh nghiệp của mình có nền tảng vững chắc và đáng tin cậy hơn, giúp cho quá trình kêu gọi vốn đầu tư trở nên dễ dàng. Việc học hỏi mô hình chỉ đóng vai trò là 1 công cụ, sáng tạo và phù hợp vẫn là hai yếu tố tiên quyết quyết định thành công của startup.